So sánh sản phẩm

Tết không nghỉ trên công trình trọng điểm xây dựng cầu vượt thép

Thi công xuyên Tết
     Khi hai dự án xây dựng cầu vượt nhẹ tại 2 nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà và Chùa Bộc - Tây Sơn được khởi công ngày 21/1 (tức ngày 28 Tết), nhiều người cho rằng, các công trình này chỉ khởi công "lấy ngày" rồi ra Giêng ngày rộng tháng dài mới tiếp tục thi công. Nhưng không phải vậy,  việc khởi công 2 nút vào thời điểm sát Tết đã được Thành phố và Sở tính toán rất kỹ. Ngày bình thường, 2 nút giao thông này có mật độ phương tiện cao nhất khu vực nội thành và thường xuyên UTGT vào giờ cao điểm. Do đó phải lựa chọn thời điểm Thủ đô vắng người - trong dịp Tết, để không gây UTGT và cũng đảm bảo tiến độ công trình.

     Ngày mùng 2 Tết (tức 24/1), chúng tôi có mặt trên công trường thi công cầu vượt tại nút giao Thái Hà - Chùa Bộc, không khí làm việc ở đây vẫn diễn ra rất sôi động. Người nào việc ấy. Người điều khiển máy ép cọc, người thoăn thoắt thao tác máy cẩu đưa các cọc bê tông nặng hàng tấn đến vị trí đã định ép xuống nền đường Tây Sơn. Tiếng máy chạy, tiếng người cười nói vang vang một góc phố. Tâm sự với chúng tôi, anh công nhân điều khiển máy ép cọc Hoàng Văn Thoại (tổ 303) quê tận Tuần Giáo, Điện Biên cho biết, Tết là dịp thiêng liêng để đoàn tụ gia đình, mọi năm dù có đi làm ở xa mấy anh cũng phải thu xếp về nhà cùng gia đình đón Tết. Tuy nhiên, năm nay do yêu cầu của công việc, anh đã tình nguyện ở lại. Sau Tết, khi mọi người trong công ty lên làm việc đầy đủ, anh và những công nhân tham gia trực Tết sẽ được về quê đoàn tụ cùng gia đình. May mắn hơn anh Thoại, anh Lưu Ngọc Dũng (tổ 1) nhà tại huyện Đông Anh - Hà Nội nên vẫn có thể tranh thủ về ăn Tết được với gia đình sau ca làm việc. Anh Dũng tâm sự: "Ngày Tết ai cũng muốn ở bên gia đình, làng xóm. Nhưng vì yêu cầu của công việc, nhất là được đóng góp một phần nhỏ bé vào việc chống UTGT cho Thủ đô nên tôi và nhiều anh em đã nhận ở lại để thi công công trình. May mắn hơn các anh em khác là nhà ở Hà Nội, nên sau mỗi ca làm việc tôi vẫn tranh thủ về nhà ăn Tết cùng gia đình".
     Rời nút giao thông Thái Hà - Chùa Bộc, chúng tôi đến nút Láng Hạ - Thái Hà. Tại đây, không khí làm việc cũng diễn ra rất hối hả. Ông Vũ Hồng Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long cho biết: "Do thời gian thi công công trình chỉ có 180 ngày, nên chúng tôi đã huy động công nhân làm việc 3 ca liên tục để hoàn thành móng các trụ cầu ngay trong dịp Tết...".

     Theo ông Phương, Công ty đã có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho những công nhân làm việc trong dịp Tết. Sau khi các công nhân nghỉ Tết lên đủ, những anh em trực Tết được bố trí nghỉ phép về quê đón Tết muộn cùng gia đình.

Không để xảy ra ùn tắc kéo dài
     Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, tính đến hết ngày 29/1, các đơn vị thi công đã hoàn thành xong phần việc khó khăn nhất của dự án, đó là hoàn thành việc xây dựng móng trụ cầu tại giữa 2 nút giao thông. Đây là khâu khó khăn nhất vì phải bịt toàn bộ nút để thi công, các phương tiện từ phố Chùa Bộc, Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng khi muốn qua nút phải rẽ phải quay đầu xe tại điểm mở dải phân cách trên phố Tây Sơn và Láng Hạ, nên rất dễ xảy ra UTGT, nhất là khi giao thông thành phố trở lại hoạt động bình thường. Do đó, các đơn vị thi công đã phải làm ngày, đêm để hoàn thành bằng được 2 hạng mục quan trọng này. Cụ thể, tại cầu vượt nút giao Láng Hạ - Thái Hà đã hoàn thành xong 3/7 móng trụ cầu, trong đó phần móng trụ cầu nằm giữa nút đã đổ bê tông xong và tháo dỡ các rào quây để các phương tiện qua nút được thuận tiện. Còn tại cầu vượt nút Chùa Bộc - Tây Sơn cũng đã hoàn thành xong 3/7 móng trụ cầu, trong đó phần móng trụ cầu nằm giữa nút đã đổ bê tông xong nhưng do bê tông chưa khô nên chưa dỡ rào quây xung quanh. Dự kiến, trong 1 đến 2 ngày tới sẽ tháo dỡ phần rào chắn nút để các phương tiện có thể lưu thông qua nút bình thường.
     Có thể nói, với sự nỗ lực hết mình của đội ngũ công nhân xây dựng cầu, Thanh tra Sở GTVT và nhiều lực lượng khác làm việc không kể ngày, đêm trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, nên những dự án giao thông trọng điểm, trong đó có 2 dự án xây dựng cầu vượt nhẹ sẽ về đích đúng hẹn, sớm góp phần vào việc giảm UTGT cho Thủ đô.
     Trước đó, Chính phủ đã chấp thuận xây cầu vượt cho ôtô và xe máy để giảm ùn tắc tại các nút giao thông tại Hà Nội với yêu cầu cầu vượt thi công nhanh, ít ảnh hưởng đến giao thông hiện hành, dễ tháo lắp để trả lại mặt bằng.
     Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tính toán nếu đặt cầu vượt tại 2 ngã tư này, một năm giảm thiểu về thời gian, nhiên liệu của xe cơ giới tại mỗi nút bình quân là 200 tỷ đồng.
     Theo tư vấn của nhóm tác giả tại ĐH Giao thông Vận tải, cầu vượt sẽ có kết cấu nhẹ bằng dầm thép, móng cọc bê tông cốt thép đúc sẵn hoặc móng cọc vít thi công ép xoắn, trụ thép hoặc trụ đổ bê tông bên trong, dầm chữ I hoặc dầm hộp liên hợp. Thời gian thi công chỉ trong 4 tháng.
     Theo nhóm nghiên cứu, tại nút giao Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ sẽ ưu tiên làm cầu theo đường Láng Hạ, còn tại nút Chùa Bộc - Sơn Tây, cầu sẽ chạy theo hướng đường Sơn Tây. Mỗi cầu sẽ thiết kế đủ rộng cho 4 làn xe con (12 m), chi phí khoảng 150 tỷ đồng.
     Ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vận tải, góp ý nên tính toán cầu vượt cho 2 làn xe và cho xe dưới 3 tấn. Nếu để mặt cầu rộng 12 m rồi phải xén hè là không hợp lý. Ông Thành để nghị giảm chiều rộng của cầu để lại đường cho người đi bộ.
     Theo ông Mai Văn Hồng, Vụ phó Kết cấu hạ tầng, nếu tăng độ dốc lên thì xe sẽ nổ to gây ảnh hưởng môi trường. Ông Hồng cho rằng cần giảm độ dốc, chỉ khoảng 6-7% như cầu Thăng Long. "Ngoài ra, cầu cho xe tải nhẹ đi thì chỉ rộng 9-10 m chứ không nên là 12 m. Xây cầu để hạn chế ùn tắc chứ không giải quyết triệt để", ông Hồng nói.
     Ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng Giám định và quản lý chất lượng công trình xây dựng, cho rằng đối với cầu đô thị phải đảm bảo mỹ quan. Đối với ngã tư, hướng đi trực thông chiếm tỷ lệ nhất định, còn xe sẽ chuyển về các hướng khác nhau. Như hầm chui Kim Liên, số xe trực thông chiếm 1/4 lưu lượng xe, từ đó có thể xác định khổ cầu.
Chốt lại cuộc họp bàn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các nhà tư vấn nên nghiên cứu cầu vượt rộng 9 m, khoảng tĩnh không dưới 4,5 m, độ dốc tối đa là 6%, kiến trúc đảm bảo cảnh quan chứ không để đem một khối thép đặt giữa thủ đô.
     Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng lưu ý, trên địa bàn có khoảng 1.400 xe buýt, 200 xe du lịch, 4 triệu xe máy và 800.000 ôtô. Do vậy, khi làm cầu vượt phải có phương án tổ chức giao thông, để tránh tình trạng thông điểm này nhưng tắc nơi khác.
     Theo Thứ trưởng, nếu tuyến Giảng Võ không được xử lý thì nguy cơ ách tắc vành đai 1 là dễ thấy. Do vậy, Thứ trưởng yêu cầu Sở Giao thông Hà Nội nghiên cứu bổ sung tiếp nút Giảng Võ - Đê La Thành và ngã năm Ô Chợ Dừa.
     Cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà được xây dựng dọc tuyến đường Láng Hạ, dài 189m, gồm 8 nhịp dầm thép liên tục, vốn đầu tư hơn 67 tỷ đồng, do Ban QLDA giao thông 3 (Sở GTVT) làm đại diện chủ đầu tư, Công ty CP Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long (Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long) thi công. Cầu vượt Chùa Bộc - Tây Sơn được xây dựng dọc phố Tây Sơn, dài hơn 249m, gồm 8 nhịp dầm thép liên tục, tổng mức đầu tư 65,5 tỷ đồng, do Ban QLDA Giao thông đô thị (Sở GTVT) làm đại diện chủ đầu tư, Công ty CP Cầu 3 Thăng Long (Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long) thi côngTheo thiết kế, cả 2 cầu đều cao 4,75m; rộng 9m với 2 làn ô tô, 2 làn xe máy, cho phép xe dưới 3 tấn lưu hành với vận tốc 40km/h. Công tác thi công được thực hiện đồng hành trong xưởng (với phần cơ khí, chế tạo) và tại công trường (khoan, thi công cọc) với thời gian dự kiến là 180 ngày.

Đoàn Loan (nguồn: Báo mới
Ngày đăng: 24/01/2012
Tags:,

Tin cùng danh mục